Thông tin trên được ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software), công ty phần mềm lớn nhất Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2017 do Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương tổ chức ngày 20-4-2017.
Theo ông Tiến, ngành xuất khẩu phần mềm có giá trị gia tăng cao. Bởi, nếu Việt Nam xuất khẩu hơn 30 tỉ đô la Mỹ điện thoại thì nhập khẩu đã tới 25 tỉ đô la Mỹ; và trong 100 đô la Mỹ giá trị xuất khẩu thì chỉ có khoảng 20 - 30 đô la Mỹ do người Việt làm ra, phần giá trị gia tăng Việt Nam làm được rất ít. Thậm chí như ngành lúa gạo được coi là lợi thế của Việt Nam thì giá trị gia tăng của nông dân làm ra cũng chỉ 50% trong tổng giá trị, còn lại là nhập phân bón, thuốc trừ sâu.
“Với ngành phần mềm, cứ 100 đô la Mỹ xuất khẩu thì có 84 - 86 đô la Mỹ do người Việt Nam làm ra. Như vậy, giá trị gia tăng của ngành phần mềm rất cao,” ông Tiến nói.
Trong khi đó, theo ông Tiến, phần mềm là một thị trường không giới hạn, với doanh số trên toàn cầu tới 994 tỉ đô la Mỹ mà năm ngoái FPT Software mới chỉ đạt doanh số xuất khẩu 230 triệu đô la Mỹ.
“Đây là thị trường không giới hạn, vấn đề giới hạn là năng lực của chúng ta mà thôi. Hàng triệu kỹ sư phần mềm của cả thế giới đang chưa đáp ứng đủ nhu cầu công việc. Ngành này sẽ luôn luôn thiếu người. Do đó giới trẻ Việt Nam hoàn toàn có thể yên tâm lựa chọn học về phần mềm.”, ông Tiến nói.
Theo Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa), doanh thu ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam đã tăng gấp rưỡi trong năm năm, từ hai tỉ đô la Mỹ vào năm 2010 lên trên ba tỉ đô la Mỹ năm 2015 (hiện chưa có số liệu đến năm 2016).